Sỏi mật: sự hình thành và điều trị

Sỏi mật là gì?

     Sỏi mật bắt nguồn từ mật, một chất giúp tiêu hóa chất béo và các vitamin tan trong chất béo. Mật hình thành từ gan và được dữ trữ tại túi mật (một cơ quan nhỏ, hình quả lê, nằm ở mặt dưới gan). Chất béo trong thức ăn kích hoạt giải phóng một loại hormone (cholecystokinin) khiến túi mật co lại và giải phóng mật vào ruột.

     Sỏi mật là những khối rắn, phát triển khi mật lưu trữ trong túi mật bị tinh thể hóa. Hầu hết có đường kính nhỏ hơn một inch (2.54cm), nhưng chúng có thể nhỏ như một hạt cát hoặc lớn như một quả bóng golf. Hầu hết sỏi mật có thành phần chủ yếu là cholesterol. Phần còn lại - được gọi là sỏi sắc tố - được hình thành từ muối canxi và bilirubin (một sản phẩm phân hủy của các tế bào hồng cầu).

     Sỏi cholesterol hình thành khi mật chứa nhiều cholesterol hơn lượng mà muối mật có thể hòa tan. Sỏi cholesterol cũng có thể phát triển nếu túi mật giảm khả năng co bóp bình thường. Sỏi sắc tố có liên quan đến một số tình trạng bệnh, bao gồm bệnh gan, một số loại thiếu máu và nhiễm trùng đường mật.

Sỏi mật có nguy hiểm không?

 

Sỏi mật gây ra vấn đề khi chúng làm tắc đường mật từ gan hoặc túi mật (hoặc các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy) đến ruột non. Chúng có thể gây:

  -   Viêm túi mật. Sỏi kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật. Viêm túi mật có thể gây đau bụng và sốt cao.

  -   Tắc nghẽn ống mật chủ. Sỏi mật có thể làm tắc các ống dẫn mật chảy từ túi mật hoặc gan đến ruột non (ống mật chủ). Đau bụng dữ dội vùng gan, vàng da và nhiễm trùng đường mật có thể xảy ra.

  -   Tắc nghẽn ống tụy. Ống tụy là một ống chạy từ tuyến tụy và nối với ống mật chủ ngay trước khi vào tá tràng. Dịch tụy, giúp hỗ trợ tiêu hóa, chảy qua ống tụy. Tắc nghẽn ống tụy có thể gây viêm tụy cấp, hoặc viêm tụy tái phát, thường phải nhập viện.

  -   Ung thư túi mật. Những người có tiền sử sỏi mật có nguy cơ mắc ung thư túi mật. Nhưng ung thư túi mật là rất hiếm, vì vậy mặc dù tăng nguy cơ ung thư, khả năng ung thư túi mật vẫn rất nhỏ.

Nguy cơ sỏi mật là gì, tại sao phụ nữ nguy cơ cao hơn?

   Đó là tác dụng của nội tiết tố nữ. Estrogen làm tăng cholesterol trong mật, và progesterone làm chậm quá trình làm rỗng túi mật. Điều đó có thể giải thích tại sao nguy cơ đối với phụ nữ, so với nam giới, giảm theo tuổi tác. Trước 40 tuổi, phụ nữ được chẩn đoán sỏi mật gần gấp ba lần so với nam giới (ví dụ như mang thai, làm tăng nguy cơ), nhưng đến 60 tuổi, nguy cơ của họ chỉ lớn hơn một chút. Liệu pháp estrogen làm tăng nguy cơ, đặc biệt là khi dùng dưới dạng thuốc viên. Thuốc tránh thai đường uống cũng làm tăng nguy cơ một chút, nhưng chỉ trong thập kỷ đầu tiên sử dụng.

     Béo phì là một yếu tố nguy cơ khác, bởi vì cơ thể có nhiều chất béo sản xuất nhiều estrogen hơn. Nghịch lý thay, giảm cân nhanh cũng làm tăng nguy cơ, bởi vì chế độ ăn rất ít calo can thiệp vào việc sản xuất mật và do đó gây ra sự kết tinh của cholesterol nhiều hơn. Sỏi mật rất phổ biến sau phẫu thuật giảm cân đến nỗi bệnh nhân thường được khuyên nên cắt bỏ sỏi mật cùng một lúc.

     Sỏi mật cũng có nhiều khả năng xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bất kỳ tình trạng nào làm giảm co bóp túi mật hoặc nhu động ruột, chẳng hạn như chấn thương tủy sống. Cuối cùng, có một số bằng chứng cho thấy sự tổn thương di truyền đối với sự hình thành sỏi mật.

Điều trị như thế nào?

     Hầu hết những người bị sỏi mật không gây ra triệu chứng và không cần điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét chỉ định điều trị sỏi mật dựa trên các triệu chứng của bạn và kết quả xét nghiệm chẩn đoán.

     Bác sĩ có thể tư vấn bạn nên cảnh giác với các triệu chứng của sỏi mật, chẳng hạn như đau dữ dội ở vùng bụng trên, bên phải. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng sỏi mật xảy ra trong tương lai, bạn có thể cần điều trị.

Các lựa chọn điều trị sỏi mật bao gồm:

  -   Phẫu thuật cắt túi mật. Đối với các cơn đau quặn mật tái phát, điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ túi mật qua nội soi. Một khi túi mật được cắt bỏ, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non, thay vì được lưu trữ trong túi mật. Bạn có thể sống mà không cần túi mật và việc cắt bỏ túi mật không ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn, nhưng nó có thể gây ra tiêu chảy, thường là tạm thời.

-   Thuốc làm tan sỏi mật. Các loại thuốc đường uống có thể giúp làm tan sỏi mật. Nhưng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị để tan sỏi theo cách này và sỏi mật có thể sẽ hình thành trở lại nếu ngừng điều trị. Đôi khi thuốc không có tác dụng. Thuốc trị sỏi mật không được sử dụng phổ biến và được dành cho những trường hợp trì hoãn phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc đôi khi được kết hợp với tán sỏi, sóng siêu âm từ bên ngoài cơ thể được sử dụng để phá vỡ sỏi mật thành những mảnh dễ hòa tan hơn hoặc đủ nhỏ để đi qua ống mật một cách an toàn.

Làm thế nào có thể giảm nguy cơ sỏi mật?

Bạn có thể giảm nguy cơ sỏi mật nếu:

 -   Không bỏ bữa. Cố gắng duy trì thời gian ăn đúng giờ mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.

  -   Giảm cân từ từ. Nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm chậm. Giảm cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Đặt mục tiêu giảm 1 hoặc 2 pound (khoảng 0.5 – 1 kg) mỗi tuần.

  -   Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc.

  -   Duy trì cân nặng lý tưởng (BMI từ 18-23): Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Đạt được trọng lượng lý tưởng bằng cách giảm số lượng calo và tăng lượng hoạt động thể chất.

 

Tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/diagnosis-treatment/drc-20354220

https://www.health.harvard.edu/womens-health/what-to-do-about-gallstones

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác