SƠ LƯỢC VỀ BỆNH VIÊM GAN

SƠ LƯỢC VỀ BỆNH VIÊM GAN

BS. Nguyễn Phương Hồ

Phòng khám đa khoa Thiện Mỹ

SĐT: 0986 581 123

Ngày 28.07 hàng năm được chọn là ngày viêm gan thế giới, nhằm tăng cảnh giác đối vơi bệnh gan do virus, một trong những nguyên nhân gây viêm gan dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới của bệnh nhiễm trùng viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ em. WHO, cùng với các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách ở các nước bị ảnh hưởng, đang cố tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh dường như không thuộc về bất kỳ loại virus viêm gan nào trong số 5 loại virus viêm gan đã biết: A, B, C, D và E.

Mỗi năm có hàng ngàn ca nhiễm mới viêm gan do virus cấp tính xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan cấp đều gây ra bệnh nhẹ và thậm chí không được phát hiện. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn đến các biến chứng và gây tử vong. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ước tính có khoảng 78 000 ca tử vong trên toàn thế giới do biến chứng của nhiễm viêm gan A-E cấp tính.

                          

Các nỗ lực toàn cầu hiện nay tập trung vào 3 loại virus viêm gan là B, C và D. Không giống như viêm gan siêu vi cấp tính, 3 loại này gây bệnh mãn tính kéo dài trong vài thập kỷ và gây ra hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm do xơ gan và ung thư gan. 3 loại viêm gan mãn tính này là nguyên nhân của hơn 95% các ca tử vong do viêm gan. Mặc dù có hướng dẫn và công cụ để chẩn đoán, điều trị và dự phòng, nhưng các dịch vụ này thường không tiếp cận được với cộng đồng và đôi khi chỉ được cung cấp tại các bệnh viện lớn, chuyên khoa.

Nhân ngày viêm gan thế giới 2022, Phòng khám Thiện Mỹ muốn cung cấp những thông tin cơ bản nhất về các nguyên nhân chính gây viêm hiện nay.

       1. Viêm gan virus B

       - Ước tính 400 triệu người trên thế giới hiện nay bị nhiễm HBV mạn tính. Phần lớn trong số họ không có biến chứng, nhưng 15% đến 40% sẽ có những biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), và nhiều người tử vong sớm.

       - Tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B tại Việt Nam vào khoảng 10-15%, là nguyên nhân thứ 2 sau rượu gây xơ gan và ung thư gan. Khác với viêm gan virus C, viêm gan B có thể gây ung thư gan mà không cần qua trung gian xơ gan. Nhiễm virus viêm gan B gây tăng nguy cơ ung thư gan lên gấp 20 lần.

       - Viêm gan B lây lan bởi sự tiếp xúc qua da và màng nhầy với dịch cơ thể bị nhiễm. Virus có khả năng lây nhiễm gấp 50 đến 100 lần so với HIV và gấp 10 lần so với HCV.

                           

       - Con đường lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con trong giai đoạn chu sinh, trẻ nhiễm virus trong giai đoạn này thường trải qua dung nạp miễn dịch và trở thành mạn tính. Đối với người lớn, khi bị nhiễm đa số sẽ tự khỏi và tạo được miễn dịch hiệu quả, đặc biệt nếu có viêm gan cấp xảy ra.

        - Hiện nay thuốc điều trị viêm gan B vẫn chưa loại được virus khỏi cơ thể, chủ yếu là ức chế sự nhân lên của virus. Do đó, việc theo dõi sát, kiểm soát các yếu tố làm bùng phát bệnh vẫn chiếm vai trò quan trọng.

        - May mắn là vaccine dự phòng viêm gan B có hiệu quả bảo vệ tốt và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ không đáp ứng với vaccine vào khoảng 10-15%, do đó cần theo dõi kháng thể khi tiêm ngừa.

      2. Viêm gan virus C

       - Viêm gan C ít phổ biến hơn so với viêm gan B, ước tính trên thế giới có khoảng 58 triệu người nhiễm, và có xu hướng gia tăng. Việt Nam không phải vùng lưu hành của bệnh, ước tính khoảng 1 triệu người, trong đó đồng nhiễm với HIV chiếm tỷ lệ cao.

       - Con đường lây truyền tương tự như viêm gan B. Tuy nhiên, con đường chủ yếu là qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục đồng giới nam. Khác với viêm gan B, khả năng thanh thải tự nhiên sau nhiễm thường ít khi xảy ra, đa số sẽ trở thành mạn tính.

       - Hiện nay, các thuốc điều trị đạt hiệu quả tiệt trừ cao, >95% thải trừ hoàn toàn virus. Nguyên nhân không thành công chủ yếu do không tuân thủ tốt điều trị, tiếp tục hành vi nguy cơ sao khi đã điều trị thành công.

       - Biện pháp dự phòng bằng vaccine hiện nay chưa đạt được, tuy nhiên với triển vọng mới từ công nghệ mRNA, hy vọng sẽ sớm có vaccine phòng bệnh dành cho những nhóm đối tượng nguy cơ cao.

                                       

      3. Viêm gan virus D

       - Viêm gan D đòi hỏi nhiễm đồng thời với viêm gan B để có thể nhân bản, thường chiếm 5% số người nhiễm viêm gan B. Con đường lây truyền tương tự viêm gan B.

       - Đồng nhiễm viêm gan D làm tăng tốc độ diễn tiến đến xơ gan và ung thư gan.

       - Hiện nay chưa có thuốc điều trị hiệu quả đối với viêm gan D. Tuy nhiên, bệnh có thể được dự phòng tốt khi tiêm ngừa viêm gan B.

      4. Viêm gan do rượu

       - Hiện nay vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan tại Việt Nam, do tiêu thụ lượng alcohol quá mức cho phép trong thời gian dài.

       - Bệnh thường không gây triệu chứng cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu suy tế bào gan.

       - Bên cạnh tổn thương tại gan, việc uống rượu quá mức còn gây bệnh lý tâm thần kinh (lệ thuộc – nghiện rượu), bệnh lý tuyến tụy, giảm hấp thu một số chất cần thiết, gây hội chứng chuyển hóa...

       - Ngưng uống rượu giúp phục hồi chức năng gan, nếu tình trạng xơ gan chưa xảy ra. Nhiễm virus viêm gan B trên nền viêm gan do rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan lên gấp 20 lần.

      5. Viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu

        - Xem thêm bài bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (https://benhvienthienmy.com/benh-gan-nhiem-mo-khong-do-ruou.html)

      6. Viêm gan tự miễn

       - Bệnh tương đối hiếm gặp, do đáp ứng bất thường của hệ miễn dịch tấn công và làm tổn thương gan. Bệnh gặp nhiều ở nữ giới dao động quanh 45 tuổi.

       - Bệnh thường kem theo các tình trạng rối loạn miễn dịch khác như bệnh tuyến giáp, bệnh Crohn’s, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1.

       - Điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch có thể làm giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện được chức năng gan, ngăn ngừa tiến trình viêm gan xơ hóa, tuy nhiên, cần phải dùng thuốc kéo dài và các vấn đề liên quan đến tác dụng phụ cũng như nguy cơ tái phát cao.

       - Do cơ chế chưa rõ ràng nên cũng chưa có biện pháp ngừa bệnh, tuy nhiên phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp cải thiện tiên lượng./.

----------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác