TÌM HIỂU BỆNH THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT

Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở những nước đang phát triển. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở nước ta tuy đã cải thiện nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao vào khoảng 10-30%, tùy theo vùng. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản do nhu cầu sắt cao.

1. Nhu cầu sắt của cơ thể

Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất, có mặt trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như: Trong hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme. Sắt tham gia vào các quá trình chuyển hoá như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA, vận chuyển electron…

Ở người bình thường, 90- 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 - 10% (1 - 2mg) lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất đi, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng.

2. Nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt, nhưng phổ biến là các:

  • Do chế độ ăn uống không đủ theo khuyến nghị. Lượng sắt cơ thể bị mất có liên quan với tình trạng sinh lý, ví dụ hành kinh là giai đoạn mất chất sắt nhiều nhất đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có nhu cầu sắt tăng lên, đặc biệt là ở nửa sau thai kỳ. Đối với trẻ đang lớn, nhu cầu sinh lý cho sự phát triển (trong bào thai, sau khi sinh và tuổi dậy thì) tăng lên là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tình trạng thiếu sắt.
  • Do tình trạng mất máu mạn tính. Một số bệnh lý gây mất máu như loét dạ dày – tá tràng, trĩ nội xuất huyết, nhiếm ký sinh trùng (giun móc, giun lươn…), u xơ tử cung gây rong kinh, rong huyết, bệnh lý tán huyết trong lòng mạch…
  • Do giảm hấp thu sắt. Người có viêm dạ dày, viêm ruột, cắt dạ dày, nghiện rượu, một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như trà, cà phê… gần đây có nhiều nghiên cứu cho rằng nhiễm H. pylori có liên quan đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt không đáp ứng điều trị do H. pylori làm giảm hấp thu sắt ở dạ dày.

3. Triệu chứng và chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Tùy thuộc vào mức độ thiếu máu mà triệu chứng nhiều hay ít, đôi khi do tình trạng mạn tính bệnh nhân trở nên “quen” với tình trạng thiếu sắt và hầu như không có triệu chứng gì.

Nguồn: aminoco.com

Bảng 1: Mức Haemoglobin để chẩn đoán và phân loại thiếu máu (g/l)

Nhóm

Bình thường

Mức độ

Nhẹ

Trung bình

Nặng

Trẻ 6-59 tháng

≥ 110

100-109

70-99

≤ 70

Trẻ 5-11 tuổi

≥ 115

110-114

80-109

≤ 80

Trẻ 12-14 tuổi

≥ 120

110-119

80-109

≤ 80

Phụ nữ ≥ 15 tuổi

≥ 120

110-119

80-109

≤ 80

Phụ nữ có thai

≥ 110

100-109

70-99

≤ 70

Nam ≥ 15 tuổi

≥ 130

110-129

80-109

≤ 80

 

4. Cách điều trị và dự phòng

  • Nhu cầu sắt tăng cao hầu như có thể được đáp ứng đầy đủ với chế độ ăn giàu sắt giá trị sinh học cao.
  • Sắt trong thực phẩm ở 2 loại, dạng sắt heme hoặc không heme. Dạng heme có trong thức ăn nguồn gốc động vật, trừ trứng (như phoscidin) và sữa (như lactoferrin). Sắt heme có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi hấp thu sắt không heme phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt.
  • Acid ascorbic (vitamin C), protein động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu sắt không heme. Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như Phytate ở trong gạo, các loại ngũ cốc và đậu đỗ. Chất ức chế khác là Tanin trong một số loại rau, trà và cà phê. Vì vậy, hàm lượng sắt của thực phẩm không nhất thiết phản ánh sự đầy đủ sắt trong chế độ ăn. Nhu cầu sắt phụ thuộc vào lượng sắt có thể hấp thu được trong khẩu phần.
  • Sữa bò là một nguồn thực phẩm nghèo sắt có giá trị sinh học thấp nên không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêu thụ sớm sữa bò không hợp lý có liên quan với nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt.
  • Độ tuổi kinh nguyệt: Nhu cầu khuyến nghị về sắt cho trẻ em gái tăng ở tuổi 14 để bù lại lượng mất do kinh nguyệt.
  • Bứt phá tăng trưởng vị thành niên và trước vị thành niên: Tốc độ tăng trưởng trong thời gian bứt phá tăng trưởng có thể gấp 2 lần tốc độ trung bình đối với trẻ trai và gấp 1,5 lần đối với trẻ gái. Nhu cầu về sắt trong khẩu phần ăn tăng lên đối với trẻ trai và trẻ gái trong giai đoạn bứt phá tăng trưởng.
  • Trong trường hợp mất máu mạn tính do bệnh lý, cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nhu cầu sắt khuyến nghị (theo Nhu cầu Dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016), Viện dinh dưỡng quốc gia.
  2. Bệnh thiếu máu thiếu sắt, Viện huyết học – truyền máu trung ương.
  3. Haemoglobin concentrations for the diagnosis of anaemia and assessment of severity, WHO (2010).

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác