KIẾN THỨC VỀ CÁC NGUYÊN NHÂN ĐI TIÊU RA MÁU (MINOR RECTAL BLEEDING)

KIẾN THỨC VỀ CÁC NGUYÊN NHÂN ĐI TIÊU RA MÁU

(MINOR RECTAL BLEEDING)

 

Chảy máu trực tràng lượng ít (sau đây gọi là đi tiêu ra máu) là tình trạng chảy một vài giọt máu đỏ tươi (tươi) từ trực tràng, có thể xuất hiện trên phân, trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Nội dung này đề cập đến tình trạng đi tiêu ra máu xảy ra thường xuyên. Chảy máu lượng lớn liên tục đáng kể từ trực tràng hoặc đi tiêu phân màu đen, hắc ín hoặc màu hạt dẻ có thể do các bệnh lý khác và sẽ không được thảo luận ở đây. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu những tình trạng nghiêm trọng hơn xảy ra. Vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra đi tiêu ra máu, nên việc đánh giá đầy đủ và chẩn đoán sớm là rất quan trọng.

Đi tiêu ra máu, dù là ít hay nhiều, đều có thể là triệu chứng của ung thư đại tràng, một loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

1. Bệnh trĩ là gì?

Trĩ (hay còn gọi là lồi dom) là hiện tượng các mạch máu ở hậu môn và trực tràng bị phù nề do áp lực tăng lên, tương tự như xảy ra trong bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân. Búi trĩ có thể ở bên trong (trĩ nội) hoặc bên ngoài (trĩ ngoại) hậu môn. Trĩ là nguyên nhân phổ biến nhất gây đi tiêu ra máu và thường không đau. Chảy máu do bệnh trĩ thường xảy ra khi đi tiêu, hoặc cũng có thể thấy dính máu trên giấy vệ sinh. Nguyên nhân chính xác của chảy máu do bệnh trĩ vẫn chưa được biết, nhưng nó thường liên quan đến táo bón, tiêu chảy, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, béo phì, khuân vác nặng và mang thai. Các triệu chứng của bệnh trĩ có thể xuất hiện theo xu hướng gia đình. Bệnh trĩ cũng phổ biến hơn khi lớn tuổi. May mắn là, tình trạng rất phổ biến này không dẫn đến ung thư.

2. Điều trị bệnh trĩ như thế nào?

Điều trị nội khoa đối với bệnh trĩ bao gồm điều trị nguyên nhân táo bón, tắm nước ấm và bôi kem hoặc thuốc đạn không kê đơn có thể chứa hydrocortisone. Nếu điều trị nội khoa không thành công, có một số phương pháp để giảm kích thước hoặc loại bỏ búi trĩ nội. Mỗi phương pháp khác nhau về tỷ lệ thành công, rủi ro và thời gian phục hồi. Thắt trĩ bằng vòng cao su là thủ thuật ngoại trú phổ biến nhất cho bệnh nhân trĩ hiện nay. Nó được thực hiện bằng cách đặt các vòng cao su thắt ngang gốc của trĩ nội qua đó cắt nguồn cung cấp máu đến mô. Điều này làm cho búi trĩ co lại, và trong một vài ngày, cả búi trĩ và dây thun sẽ rơi ra khi đi tiêu.

Sau thắt bệnh nhân có thể về trong ngày, sinh hoạt thể chất bình thường, tỷ lệ biến chứng rất thấp. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm đau, chảy máu và nhiễm trùng. Sau khi thắt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, bao gồm thuốc giảm đau và thuốc làm mềm phân, kháng sinh dự phòng. Laser hoặc hồng ngoại và liệu pháp xơ hóa (tiêm thuốc trực tiếp vào búi trĩ) cũng là những phương pháp điều trị tại phòng khám, mặc dù chúng ít phổ biến hơn, biến chứng cao hơn. Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ có thể được thực hiện trong những trường hợp nặng hoặc nếu các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã thắt bằng vòng cao su hoặc liệu pháp xơ hóa.

3. Nứt hậu môn là gì?

Vết rách xảy ra trên niêm mạc hậu môn được gọi là rò hậu môn. Tình trạng này thường gặp nhất là do táo bón và đi ngoài phân cứng, mặc dù nó cũng có thể là do tiêu chảy hoặc viêm nhiễm ở hậu môn. Ngoài việc gây đi tiêu ra máu, nứt hậu môn cũng có thể gây đau nhiều trong và ngay sau khi đi tiêu. Hầu hết các vết nứt đều được điều trị thành công bằng các biện pháp đơn giản như bổ sung chất xơ, thuốc làm mềm phân (nếu nguyên nhân là do táo bón) và tắm nước ấm. Bác sĩ cũng có thể kê đơn một số loại kem để làm dịu vùng bị viêm. Các lựa chọn khác bao gồm điều trị giãn các cơ xung quanh hậu môn (cơ vòng) hoặc phẫu thuật, nhưng hiệu quả không được xác nhận.

4. Viêm sướt đại trực tràng là gì?

Bệnh có thể do xạ trị trước đó đối với các bệnh ung thư khác nhau, do thuốc, nhiễm trùng hoặc một dạng giới hạn của bệnh viêm ruột (IBD). Nó có thể gây ra cảm giác không đi tiêu hết hoàn toàn hoặc có thể khiến bệnh nhân thường xuyên muốn đi tiêu. Các triệu chứng khác bao gồm đi tiêu có chất nhầy pha lẫn với máu và đau bụng vùng hậu môn và trực tràng. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính kéo dài có thể gây ung thư hóa, đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ kèm theo. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

 

5. Polyps đại tràng là gì?

Polyp là tăng sản lành tính trong niêm mạc của đại tràng. Mặc dù hầu hết không gây ra triệu chứng, một số polyp nằm ở đại tràng xuống và trực tràng có thể gây chảy máu nhẹ. Điều quan trọng là phải loại bỏ những polyp này vì một ít trong số chúng sau này có thể chuyển thành ung thư nếu không được điều trị, đặc biệt khi liên quan đến đa polyp tuyến gia đình.

6. Ung thư đại tràng là gì?

Ung thư đại tràng đề cập đến ung thư bắt đầu ở ruột già. Nó có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ thuộc mọi sắc tộc và là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong do ung thư ở Việt Nam. May mắn là, nó thường là một loại ung thư phát triển chậm và có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Hầu hết các bệnh ung thư đại tràng phát triển từ các polyp đại tràng hoặc viêm đại tràng trong khoảng thời gian nhiều năm. Do đó, cắt bỏ polyp đại tràng giúp giảm nguy cơ ung thư. Ung thư hậu môn ít phổ biến hơn nhưng có thể chữa khỏi khi được chẩn đoán sớm.

7. Loét trực tràng là gì?

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một tình trạng không phổ biến có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ, có liên quan đến táo bón lâu ngày và phải rặn nhiều khi đi tiêu. Trong trường hợp này, một khu vực trong trực tràng (thường ở dạng vết loét đơn độc) gây chảy máu và chất nhầy. Điều trị bằng cách bổ sung chất xơ để giảm táo bón. Đối với những người có các triệu chứng đáng kể (mất máu nhiều), phẫu thuật có thể được yêu cầu.

8. Làm gì để xác định đi tiêu ra máu?

Bác sĩ có thể khám hậu môn bằng mắt thường để tìm các vết nứt hậu môn, ung thư hoặc trĩ ngoại, hoặc thăm hậu môn bằng ngón tay có đeo găng, có bôi thuốc tê để cảm nhận những bất thường ở trực tràng dưới và ống hậu môn. Nếu được chỉ định, bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi đại tràng. Trong thủ thuật này, một ống soi mềm được đưa vào hậu môn để kiểm tra toàn bộ lòng ruột già. Thuốc an thần có thể được dùng để nội soi đại tràng, giúp bệnh nhân buồn ngủ và giảm cảm giác khó chịu. Để thuận tiện hơn, đánh giá nhanh tình trạng chảy máu, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng sigma, sử dụng một ống ngắn hơn có camera để kiểm tra từ đại tràng xuống đến trực tràng. Để chỉ kiểm tra trực tràng dưới và ống hậu môn, có thể sử dụng ống soi hậu môn. Ống soi ngắn (3 đến 4 inch) này đặc biệt hữu ích khi bác sĩ nghi ngờ bệnh trĩ, ung thư hậu môn hoặc nứt hậu môn.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.asge.org/home/for-patients/patient-information/understanding-minor-rectal-bleeding#:~:text=Minor%20rectal%20bleeding%20refers%20to,or%20in%20the%20toilet%20bowl.
  2. Đơn vị nội soi tiêu hóa – Phòng khám đa khoa Thiện Mỹ.

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác