1. Những thay đổi bình thường của tuyến giáp khi mang thai
a. Hormon giáp (TSH, T3, T4)
Một thai kỳ bình thường dẫn đến một số thay đổi quan trọng về sinh lý và nội tiết tố làm thay đổi chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp thay đổi khi mang thai do ảnh hưởng của hai hormone chính: beta-hCG (dùng để test thai) và estrogen. Nồng độ hCG lưu hành cao trong ba tháng đầu tiên có thể dẫn đến TSH hơi thấp. Khi điều này xảy ra, TSH sẽ giảm nhẹ trong ba tháng đầu và sau đó trở lại bình thường trong suốt thời gian mang thai. Estrogen làm tăng lượng protein liên kết với hormone tuyến giáp trong huyết thanh, làm tăng tổng lượng hormone tuyến giáp trong máu do > 99% hormone tuyến giáp trong máu liên kết với các protein này. Tuy nhiên, các xét nghiệm FT4, FT3 (phần không liên kết với protein, đại diện cho dạng hoạt động của hormone) thường vẫn bình thường. Tuyến giáp hoạt động bình thường nếu TSH và FT4 vẫn ở trong phạm vi bình thường trong suốt thai kỳ.
Nguồn: Thyrocare.com
b. Kích thước tuyến giáp
Tuyến giáp có thể tăng kích thước khi mang thai, thường khoảng 10-15%. Siêu âm đôi khi thấy bướu giáp to, đòi hỏi cần làm các xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
2. Tương tác giữa chức năng tuyến giáp của mẹ lên thai
Trong 18-20 tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ để sản xuất hormone tuyến giáp. Đến giữa thai kỳ, tuyến giáp của bé bắt đầu tự sản xuất hormone. Tuy nhiên, bé vẫn phụ thuộc vào mẹ ăn đủ lượng iốt, điều cần thiết để tạo ra các hormone tuyến giáp. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị bổ sung iốt 250 microgam/ngày trong thai kỳ để duy trì sản xuất hormone tuyến giáp đầy đủ.
3. Nguyên nhân gây cường giáp thai kỳ
Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cường giáp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là bệnh Graves (Basedow), xảy ra ở 0,2% bệnh nhân mang thai. Ngoài các nguyên nhân thông thường khác của cường giáp, nồng độ hCG rất cao, được thấy ở các dạng ốm nghén nghiêm trọng (hyperemesis gravidarum), có thể gây ra cường giáp thoáng qua trong thai kỳ sớm. Chẩn đoán chính xác dựa trên đánh giá cẩn thận về tiền sử, khám thực thể và xét nghiệm.
Nguồn: voh.com.vn
4. Nguy cơ cường giáp đối với mẹ
Cường giáp có thể xuất hiện trong ba tháng đầu hoặc có thể trầm trọng hơn trong thời gian này ở những phụ nữ bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Ngoài các triệu chứng kinh điển liên quan đến cường giáp, mẹ được điều trị không đầy đủ có thể dẫn đến chuyển dạ sớm và một biến chứng nghiêm trọng là tiền sản giật. Ngoài ra, những phụ nữ mắc cường giáp đang hoạt động khi mang thai có nguy cơ mắc một dạng rất nặng là cơn bão giáp. Cường giáp thường cải thiện trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ và có thể trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn sau sinh.
5. Nguy cơ cường giáp đối với thai nhi
Nguy cơ của thai nhi là do 3 cơ chế có thể xảy ra:
a. Cường giáp không kiểm soát ở mẹ
Bệnh cường giáp của mẹ không được kiểm soát tốt có liên quan đến tim thai (nhịp tim nhanh), thai nhẹ cân so với tuổi thai, sinh non, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh. Đây là lý do tại sao điều trị cường giáp ở người mẹ là rất quan trọng.
b. Nồng độ quá cao của Thyroid Stimulating Immunogloblulins (TSI).
Cường giáp là một rối loạn tự miễn gây ra bởi việc sản xuất các kháng thể kích thích tuyến giáp được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI). Những kháng thể này vượt qua nhau thai và có thể tương tác với tuyến giáp bé. Nồng độ TSI cao của mẹ đã được biết là gây ra bệnh cường giáp ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, nhưng điều này là không phổ biến (chỉ 1-5%). May mắn thay, điều này thường chỉ xảy ra khi mức TSI của mẹ rất cao (nhiều lần so với bình thường). Khi người mẹ mắc cường giáp, cần điều trị bằng thuốc kháng giáp trong khi mang thai, chứng cường giáp của thai nhi rất hiếm vì thuốc kháng giáp cũng đi qua nhau thai và có thể ngăn tuyến giáp của thai nhi hoạt động quá mức. Điều rất quan trọng là nói với bác sĩ của bạn nếu bạn đã được điều trị Cường giáp trong quá khứ để có thể theo dõi đúng cách để đảm bảo em bé vẫn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
c. Mẹ được điều trị thuốc kháng giáp
Methimazole (Tapazole) hoặc propylthiouracil (PTU) là các thuốc kháng giáp (ATDs) có sẵn để điều trị bệnh cường giáp. Cả hai loại thuốc này đều đi qua nhau thai và có khả năng làm suy giảm chức năng tuyến giáp của bé và gây bướu cổ thai nhi. Sử dụng một trong hai loại thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ có liên quan đến dị tật bẩm sinh, mặc dù các khuyết tật liên quan đến PTU ít gặp hơn và ít nghiêm trọng hơn. Điều trị dứt điểm (phẫu thuật tuyến giáp hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ) có thể được xem xét trước khi mang thai để tránh phải sử dụng PTU hoặc methimazole trong thai kỳ. Khi cần ATDs, PTU được ưu tiên cho đến tuần 16 của thai kỳ. Nên sử dụng liều ATDs thấp nhất có thể để kiểm soát cường giáp của mẹ nhằm giảm thiểu sự phát triển của bệnh suy giáp ở trẻ. Nhìn chung, lợi ích cho em bé khi điều trị cho mẹ bị cường giáp khi mang thai lớn hơn những rủi ro nếu điều trị được theo dõi cẩn thận.
6. Diễn tiến của bệnh cường giáp sau khi sinh
Cường giáp thường xấu đi trong thời kỳ hậu sản hoặc có thể xảy ra lần đầu nếu mẹ chưa từng bệnh. Khi cường giáp mới xuất hiện trong những tháng đầu tiên sau khi sinh, nguyên nhân có thể là do cường giáp, hoặc viêm tuyến giáp sau sinh và xét nghiệm với sự theo dõi cẩn thận là cần thiết để phân biệt giữa hai bệnh này. Liều cao hơn của thuốc kháng giáp có thể được yêu cầu trong thời gian này. Như thường lệ, theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm chức năng tuyến giáp là cần thiết.
7. Mẹ điều trị bệnh bằng thuốc kháng giáp có cho con bú được không?
Được. Mặc dù một lượng rất nhỏ cả PTU và methimazole được chuyển vào sữa mẹ, nhưng tổng liều hàng ngày lên tới 20mg methimazole hoặc 450mg PTU được coi là an toàn và không cần theo dõi tình trạng tuyến giáp của trẻ bú mẹ.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.thyroid.org/hyperthyroidism-in-pregnancy/
2. http://benhvien108.vn/benh-ly-tuyen-giap-o-phu-nu-mang-thai.htm
Ý kiến bạn đọc