SUY GIÁP VÀ THAI KỲ

1. Nguyên nhân chủ yếu gây suy giáp trong thai kỳ

Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy giáp là một rối loạn tự miễn dịch gọi là viêm giáp Hashimoto. Suy giáp có thể xảy ra trong thai kỳ như là biểu hiện ban đầu của viêm giáp Hashimoto, do điều trị không đầy đủ bệnh suy giáp đã có từ trước, hoặc do điều trị quá mức của một cường giáp bằng thuốc kháp giáp. Khoảng 2,5% phụ nữ sẽ có TSH lớn hơn 6 mIU/L (tăng nhẹ) và 0,4% sẽ có TSH lớn hơn 10 mIU / L khi mang thai.

2. Nguy cơ suy giáp đối với mẹ

Không được điều trị, hoặc điều trị không đầy đủ, suy giáp sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai và có liên quan đến thiếu máu ở mẹ, bệnh lý cơ (đau cơ, yếu), suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường nhau thai và xuất huyết sau sinh. Những biến chứng này có nhiều khả năng xảy ra ở những phụ nữ bị suy giáp nặng. Một số rủi ro cũng xuất hiện cao hơn ở những phụ nữ có kháng thể chống lại peroxidase tuyến giáp (TPO). Phụ nữ bị suy giáp nhẹ có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng giống như khi mang thai.


Nguồn: voh.com.vn

3. Nguy cơ suy giáp đối với thai nhi

Hormon tuyến giáp rất quan trọng cho sự phát triển não bộ ở trẻ. Trẻ em sinh ra bị suy giáp bẩm sinh (không có chức năng tuyến giáp khi sinh) có thể có những bất thường nghiêm trọng về nhận thức, thần kinh và phát triển trí tuệ nếu tình trạng không được nhận ra và điều trị kịp thời. Với điều trị sớm, những bất thường về phát triển trí não này phần lớn có thể được ngăn ngừa. Do đó, sàng lọc bệnh suy giáp bẩm sinh có thể được xem xét để trẻ điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế càng sớm càng tốt.

Suy giáp nặng không được điều trị ở mẹ có thể dẫn đến suy giảm sự phát triển não bộ ở trẻ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những bất thường về phát triển não nhẹ cũng có thể xuất hiện ở trẻ em sinh ra từ những phụ nữ bị suy giáp nhẹ không được điều trị trong thai kỳ. Thời điểm hiện tại, không có sự đồng thuận chung về ý kiến liên quan đến sàng lọc suy giáp ở tất cả phụ nữ khi mang thai. Tuy nhiên, Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA) khuyến cáo nên kiểm tra TSH ngay khi có thai ở những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao, chẳng hạn như những người được điều trị trước đó bị cường giáp hoặc suy giáp, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, tiền sử cá nhân mắc bệnh tự miễn, và những người có bướu cổ.

Phụ nữ đã có suy giáp nên làm xét nghiệm TSH ngay khi xác nhận có thai. Họ cũng nên tăng liều levothyroxin, vì nhu cầu hormone tuyến giáp tăng lên trong thai kỳ. Nếu suy giáp mới phát hiện, phụ nữ có thai nên được điều trị bằng levothyroxin để bình thường hóa giá trị TSH.


Nguồn: vtv.vn

4. Mục tiêu của điều trị suy giáp trong thai kỳ

Mục tiêu của điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai là thay thế đầy đủ hormone tuyến giáp. Tốt nhất, phụ nữ bị suy giáp nên tối ưu hóa liều levothyroxin trước khi mang thai. Nhu cầu Levothyroxin thường xuyên tăng trong thai kỳ, thường là 25-50%. Phụ nữ bị suy giáp dùng levothyroxin nên tăng liều 20-30% ngay khi mang thai được chẩn đoán và nên thông báo cho bác sĩ để kiểm tra kịp thời và đánh giá thêm. Một cách đơn giản là uống thêm hai viên mỗi tuần với liều levothyroxin hàng ngày thông thường. Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp nên được kiểm tra khoảng 4 tuần một lần trong nửa đầu của thai kỳ để đảm bảo rằng chức năng tuyến giáp bình thường trong suốt thai kỳ. Ngay sau khi sinh con, có thể quay trở lại với liều levothyroxin thông thường. Một điều cũng quan trọng là các vitamins có chứa sắt và canxi có thể làm giảm sự hấp thu hormone tuyến giáp từ đường tiêu hóa. Do đó, không nên dùng levothyroxin và vitamins cùng lúc và nên cách nhau ít nhất 4 giờ.

Tài liệu tham khảo:

https://www.thyroid.org/hypothyroidism-in-pregnancy/

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác