KHÔNG NÊN NGỦ TRONG XE HƠI

Ở trong một không gian kín và hẹp như xe hơi, nếu đóng kín tất cả các cửa thì một người có nguy cơ bị thiếu khí oxi chỉ trong khoảng 2 giờ.

Nếu ở trạng thái tỉnh táo, con người dễ dàng phản ứng với tình trạng “ngộp” khí và phản ứng bằng nhiều cách như mở cửa sổ, bật chế độ điều hòa lấy gió ngoài hay dừng xe nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, khi đang ngủ con người rơi vào trạng thái vô thức, không thể phản ứng, dẫn tới tình trạng lịm dần và tử vong…

TS Nguyễn Hoài Nam- Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ về vấn đề này:

Đi xe hơi tiện lợi, sang trọng nhưng nếu không chú ý sẽ mắc một số bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu ngủ quên trên xe hơi.

Hệ thống thông khí trong xe hơi khá tốt, nhất là những xe thế hệ mới. Nhưng để bảo đảm tránh tiếng ồn, xe hơi lại được làm khá kín nên khi xe không nổ máy và hệ thống máy lạnh không hoạt động thì rất nguy hiểm cho những ai dại dột vào ngủ trong xe hơi.

Hiện tượng này cũng không phải là hiếm, vì trong thời gian vừa qua do mất điện đã có người vào ngủ trong xe hơi có khả năng là kết hợp với say rượu hoặc say thuốc cho nên khi xe hết xăng, máy lạnh không hoạt động nữa và họ đã chết ngạt trên xe hơi do trong xe có nhiều thán khí.

Khi đi xe nếu có cảm giác thiếu hụt dưỡng khí thể hiện bằng các triệu chứng như: buồn ngủ, hay ngáp, bứt rứt khó chịu… nên mở cửa kính để cho không khí lưu thông được tốt.

Trong trường hợp các bác tài muốn được chợp mắt ngay trên xe khi trải qua chặng đường dài mệt mỏi thì cần chú ý:

Để tránh bị chết ngạt khi ngủ trên ô tô, điều quan trọng nhất là cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ ô xy cho người ngủ trong xe. Lưu ý chốt cửa, không hạ kính quá sâu, có thể gây cảm lạnh trong điều kiện thời tiết lạnh, đồng thời không đảm bảo an toàn tài sản trên xe. Nếu thời tiết nóng bức, lái xe cần chọn vị trí râm mát, dưới gốc cây…

Trường hợp bật điều hòa và đóng kín cửa xe, lái xe cần chọn chế độ lấy gió ngoài, bổ sung ô xy cho khoang cabin. Trên thực tế, trường hợp bật điều hòa ngủ trên ô tô thường chỉ được các lái xe cơ quan, công ty hoặc những người không quan tâm tới chuyện tốn xăng mới áp dụng và xác định ngủ trong một thời gian ngắn.

Đa số các lái xe còn lại, đặc biệt là lái xe taxi, việc bật điều hòa, kéo kín kính khi ngủ là điều xa xỉ, nên giải pháp duy nhất là chốt cửa, hạ cửa kính như đã nêu trên.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho bản thân, tài sản thì việc ngủ trên xe hơi chỉ nên thực hiện trong trường hợp bất khả kháng mà thôi.

 

Nguồn thông tin trích dẫn:

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/khong-nen-ngu-trong-xe-hoi-20150824103126079.htm

 

 

Ý kiến bạn đọc

 Đổi mã khác